Hậu quả Trận_đồn_Sumter

Cờ miền Nam tung bay tại đồn Sumter sau trận chiến

Cuộc pháo kích đồn Sumter là hoạt động quân sự đầu tiên của Nội chiến Hoa Kỳ. Sau trận này, người miền Bắc đã tập hợp theo lời kêu gọi của Lincoln tới tất cả các bang về việc gửi quân đi chiếm lại các đồn quân sự và bảo vệ Liên bang. Hai ngày sau, vào ngày 15 tháng 4 năm 1861, trước quy mô của cuộc nổi loạn cho tới lúc này có vẻ vẫn còn nhỏ, Lincoln đã ra tuyên cáo tuyển mộ 75.000 quân tình nguyện trong vòng 90 ngày[9] chuẩn bị cuộc chinh phạt chính quyền phản nghịch của miền Nam. Một số bang ở miền Bắc đã nhanh chóng đáp ứng chỉ tiêu được giao cho họ. Có rất nhiều quân tình nguyện tại Ohio đến nỗi chỉ trong vòng 16 ngày bang này đã có thể tự mình đạt đến con số 75.000 người.[10] Tronng khi đó, một số thống đốc Các bang Biên giới đã phản ứng tiêu cực trước sự việc này. Thống đốc Claiborne Jackson đã viết: "Không một người dân bang Missouri nào sẽ được cung cấp để tiến hành một chiến dịch xấu xa như vậy", còn Thống đốc Beriah Magoffin thì viết: "Kentucky sẽ không cung cấp quân để phục vụ cho mục đích xấu xa nhằm khuất phục các bang miền Nam anh em của mình"."[11] Các bang nô lệ vẫn còn lại trong Liên bang cũng tỏ thái độ bất hợp tác tương tự.

Sau đó, lời kêu gọi của Lincoln đã dẫn đến việc có thêm 4 tiểu bang ly khai và gia nhập Liên minh miền Nam,[12] bắt đầu là Virginia ngày 17 tháng 4 năm 1861, tiếp theo đến Arkansas, Tennessee, và Bắc Carolina - tạo khối 11 tiểu bang, gồm 9 triệu dân, trong đó có 4 triệu nô lệ. Chính phủ miền Bắc Hoa Kỳ chỉ còn 21 tiểu bang và 20 triệu dân. Chiến tranh sau đó đã kéo dài 4 năm, và kết thúc vào tháng 4 năm 1865, khi Đại tướng Robert E. Lee cùng Binh đoàn Bắc Virginia ra đầu hàng.[13]

Cảng Charleston đã hoàn toàn nằm trong tay miền Nam phần lớn thời gian 4 năm chiến tranh, tạo nên một lỗ hổng trong cuộc phong tỏa đường biển của miền Bắc đối với miền Nam. Lực lượng miền Bắc đã tiến hành nhiều chiến dịch lớn trong các năm 1862, 1863 nhằm đánh chiếm Charleston, đầu tiên là bằng đường bộ trong trận James Island tháng 6 năm 1862, rồi bằng hải quân trong trận Charleston Harbor thứ nhất vào tháng 4 năm 1863, và sau đó là bằng cách chiếm đóng các vị trí pháo binh của miền Nam trên đảo Morris (mở màn bằng trận đồn Wagner thứ hai tháng 7 năm 1863, tiếp diễn bằng một cuộc bao vây cho đến tháng 9). Sau khi nã tan nát đồn Sumter bằng hỏa lực pháo binh, một chiến dịch đổ bộ cuối cùng được tiến hành nhằm chiếm đóng nó trong trận đồn Sumter thứ hai tháng 9 năm 1863, nhưng đã bị đẩy lui và quân miền Bắc không cố gắng thêm nữa. Quân miền Nam rút khỏi đồn Sumter và cảng Charleston vào tháng 2 năm 1865 khi thiếu tướng miền Bắc William T. Sherman tấn công thành phố trong chiến dịch Carolinas. Ngày 14 tháng 4 năm 1865, đúng 4 năm sau khi đồn Sumter đầu hàng, Robert Anderson (giờ đã là thiếu tướng, mặc dù đang ốm và đã nghỉ hưu) đã trở lại đồn Sumter đổ nát để treo lại lá cờ miền Bắc bị rách mà chính ông đã hạ xuống khi trước.[14]

2 khẩu đại bác sử dụng tại đồn Sumter sau này được đem trưng bày tại trường Đại học bang Louisiana bởi tướng William Tecumseh Sherman, viên hiệu trưởng cũ của trường trước chiến tranh.[15]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_đồn_Sumter http://www.civilwarhome.com/CMHsumter.htm http://www.civilwarhome.com/sumterownership.htm http://books.google.com/books?id=qNs9h5pEpisC http://www.newsinhistory.com/feature/dramatic-news... http://opinionator.blogs.nytimes.com/2011/04/14/li... http://www.pddoc.com/skedaddle/articles/sumter_and... http://appl003.lsu.edu/artsci/milscience.nsf/$Cont... http://www.tulane.edu/~sumter/index.html http://docsouth.unc.edu/southlit/chesnut/maryches.... http://www.cr.nps.gov/history/online_books/hh/12/i...